Chu kỳ kinh nguyệt là đánh dấu bắt đầu giai đoạn dậy thì ở trẻ. Nhưng đa số trường hợp gặp phải tình trạng rối loạn kỳ kinh ở độ tuổi này. Vậy tuổi dậy thì mà kinh nguyệt không đều nên làm gì. Cùng tham khảo những thông tin hữu ích trong bài viết sau để tìm được lời giải đáp nhé.
Thông thường, một chu kỳ kinh nguyệt được đánh giá là bình thường có độ dài trung bình từ 28 đến 30 ngày. Bên cạnh đó, vẫn có một số trường hợp kéo dài từ 21 tới 35 ngày. Mỗi kỳ hành kinh là khoảng 3-7 ngày.
Tuy nhiên, cũng có những bé gái trong độ tuổi dậy thì gặp phải tình trạng kinh nguyệt không đều: đến quá sớm hoặc đến quá trễ. Vậy trong những trường hợp này nên làm gì?
Đa số các bé gái mới bước vào tuổi dậy thì, kinh nguyệt thường không đều trong vòng 1-2 năm đầu. Đây là hiện tượng bình thường. Do đó, chỉ cần thực hiện theo những lưu ý sau:
1. Vệ sinh vùng kín sạch sẽ
Bé gái trong độ tuổi dậy thì cần vệ sinh vùng kín đúng cách để ngăn ngừa các bệnh phụ khoa.
- Lưu ý rằng phải vệ sinh đều đặn hàng ngày, lau rửa từ trước ra sau, không thụt vào bên trong quá sâu.
- Nếu có sử dụng dung dịch vệ sinh phụ nữ thì chọn sản phẩm lành tính, chứa ít hóa chất, hương liệu.
- Khi hành kinh, nhớ thay băng vệ sinh thường xuyên khoảng 4-5h/lần. Nếu máu kinh chảy quá nhiều thì nên tăng tần suất thay nhiều hơn.
- Chọn đồ lót thoáng mát, thấm hút tốt, không bó sát. Thay đồ lót mỗi ngày từ 1-2 lần.
Tuổi dậy thì bị kinh nguyệt không đều nên vệ sinh vùng kín sạch sẽ
2. Cân bằng chế độ dinh dưỡng hợp lý
Trong giai đoạn tuổi dậy thì, cần bổ sung chế độ dinh dưỡng hợp lý cho bé với một thực đơn không chỉ protein, đạm mà còn vitamin, khoáng chất, chất xơ…
Hãy chọn các loại rau củ, trái cây các loại hạt, các loại đậu nhất là đậu nành xen kẽ với thịt bò, gà, trứng và cá trắng. Đồng thời cho bé uống nhiều nước lọc, nước trái cây.
Hạn chế đồ ăn dầu mỡ, cay nóng, đồ ăn chứa nhiều đường, rượu bia, cà phê,...
3. Cân bằng giữa học tập và nghỉ ngơi
Bạn cũng cần cân bằng giữa việc học và nghỉ ngơi cho bé. Việc học tập quá sức, thức khuya, lo lắng, stress sẽ khiến hormone trong cơ thể bị rối loạn. Tình trạng kinh nguyệt không đều sẽ nặng nề hơn.
Thay vào đó hãy cho bé vận động, hít thở, chơi các môn thể thao ngoài trời để giải tỏa căng thẳng. Chia sẻ và giúp đỡ khi bé gặp căng thẳng. Đảm bảo ngủ đúng giờ, đủ giấc và tâm trạng vui vẻ, thoải mái.
Tuổi dậy thì mà kinh nguyệt không đều nên đến bác sĩ nếu đi kèm dấu hiệu lạ
4. Khám bác sĩ khi có biểu hiện bất thường
Nếu kinh nguyệt không đều tuổi dậy thì đi kèm các dấu hiệu lạ như:
- Đau bụng dưới, vùng lưng một cách dữ dội, ra rất nhiều máu kinh hơn thường lệ, mệt mỏi, ngất xỉu, có kinh quá 1 tuần.
- Máu kinh có màu bất thường, mùi hôi, khó chịu, âm đạo ngứa, sưng tấy, khí hư nhiều, màu lạ, hôi.
- Mất kinh từ 3 tháng trở lên.
Đây là những dấu hiệu cho thấy bé đang gặp phải các bệnh lý, cần được thăm khám và điều trị.